Nói đến giếng làng ắt hẳn không ít người bùi ngùi nhớ đến quê hương. Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình xưa nay vẫn là hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng quê Việt Nam.
Dưới đây là câu chuyện thú vị về những chiếc giếng làng ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử còn lưu giữ lại, xã Nhượng Bạn thuở xưa (nay là Cẩm Nhượng) được hình thành vào cuối đời Trần, thế kỷ thứ 15. Làng Nhượng Bạn ra đời gắn liền với sự tích bà Hoàng Càn, người con gái làng Quyền Đông là cung phi của vua Trần Duệ Tông đã đứng ra xin vua ban tặng mảnh đất ven sông biển để di dân Quyền Đông và cư dân tứ xứ về sinh cơ lập nghiệp.
Trên mảnh đất “kề bể, gần non” này, bằng trí lực, sự cần cù, sáng tạo lao động nhiều thế hệ, người Nhượng Bạn đã vun xây nên một quần thể đình, đền, chùa miếu để phụng thờ, tưởng nhớ, ghi ơn những bậc anh hùng dân tộc, các vị tiền hiền đã có công mở mang bờ cõi, khai sơn phá thạch, hình thành nên xóm thôn sầm uất. Những công trình như chùa Yên Lạc, đình làng Xuân, đình làng Đương, đình làng Trung, miếu Đông Đạo, Văn chỉ thờ Khổng Tử, miếu bà Càn, đền Cả, đền Thượng Phủ, nhà bia… được xây dựng thành một hệ thống nằm rải rác trên địa bàn xã. Đây là những công trình thể hiện đời sống tâm linh phong phú, sâu sắc hướng về cội nguồn, gốc rễ của người dân nơi đây.
Tồn tại song song cùng với hệ thống đình, đền, chùa, miếu là những chiếc giếng làng. Giếng nước, cây đa, đình làng từ xưa được xem là biểu tượng mang tính đặc trưng mà thân thiết ở mỗi làng quê Việt Nam. Xã Nhượng Bạn xưa có đến 5 giếng làng: giếng Uống, còn gọi là giếng Vạn Phúc nay thuộc thôn Phúc Hải; giếng Miệu ở gần miếu thờ bà Hoàng Càn nay thuộc thôn Lâm Hoản; giếng Trửa (giữa) nay thuộc đường Hoàng Độ; giếng Cồn nay thuộc đường Hoa Thưởng và giếng Vạn lái rút ở các thôn Đông Đạo, Vạn Lợi.

5 giếng làng được người xưa lấy huyệt, khai mạch nên nguồn nước ngọt lành, phục vụ nhu cầu của nhân dân trong các vạn chài, thôn xóm. Đến thời thuộc Pháp, các giếng làng được chính quyền xây dựng lại tương đối kiên cố, đường kính khoảng 2 - 3 mét, rộng rãi, thuận tiện cho việc lấy nước của người dân.
Trong 5 giếng làng thì giếng Uống là giếng lớn nhất. Gọi là giếng Uống bởi nước ở đây rất trong lành, mát ngọt và tinh khiết, là nguồn nước chính cung cấp cho cư dân các vạn chài, thôn xóm. Điều đặc biệt, nước giếng Uống dùng để om hoặc nấu chè tươi thường có màu nước xanh lâu và ngon ngọt nổi tiếng. Tương truyền, giếng do vị danh thần thời Lê sơ là Tả đô đốc, Thượng tướng quân Nguyễn Thân là người lấy huyệt, khai thủy.
Một bài vè được làm cách đây gần 180 năm cũng nhắc đến địa danh giếng Uống:
Cái giếng Uống phía trên
Đền Tam tòa kề bên
Chung cả làng uống mát.
Đến những năm 80, 90 thế kỷ trước, đời sống kinh tế đi lên, sinh hoạt của nhân dân Cẩm Nhượng có nhiều thay đổi. Mỗi gia đình tự đào riêng cho mình một giếng khơi hoặc giếng máy để lấy nước sinh hoạt nên nhu cầu dùng nước từ những giếng làng hầu như không còn. Những chiếc giếng một thời chính là nơi cung cấp nguồn nước cho cả làng bị bỏ hoang, không còn ai quan tâm. Nếu như giếng Vạn lái rút (ở cồn Gò xã Cẩm Nhượng ngày nay) bị thủy triều xâm lấn vào những năm 50-60, thì đáng buồn hơn, những giếng làng khác còn bị vứt xả rác gây ô nhiễm và sau đó bị san lấp lấy đất sử dụng vào mục đích khác.
Nhận thức được giá trị văn hóa của những chiếc giếng làng, thời gian vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng đã tích cực khôi phục tôn tạo, khơi thông lại các giếng làng. Đầu tiên là giếng Miệu ở thôn Lâm Hoản. Tuy nhiên, giếng Uống - giếng lớn nhất, quan trọng nhất thì đã bị san lấp hoàn toàn.
Việc phục hồi, tôn tạo lại các giếng làng thủa xưa không chỉ là một việc làm cần thiết và hết sức có ý nghĩa nhân văn trong hành trình tìm về những di sản văn hóa, những giá trị tốt đẹp của cha ông đã để lại.